Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 12/2015 nhằm dựng hàng rào kỹ thuật chống việc nhập khẩu thép Trung Quốc tràn lan đang bị tạm ngưng để điều tra tiếp. Song, dường như không thể chờ đợi thêm nữa, công ty CP Thép Hòa Phát (trụ sở tại Hải Dương) vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ trước tình trạng phôi thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hòa Phát cho biết trong tháng 1/2016, lượng phôi thép nhập khẩu là 326.000 tấn, bằng 1/6 tổng lượng phôi thép nhập khẩu năm 2015 và tăng 220% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, cả năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Dự kiến, nếu phôi thép tiếp tục được nhập với tốc độ này, cả năm 2016 sẽ không dưới 4 triệu tấn, bằng gần 70% lượng phôi trong nước sản xuất năm 2015.

“Nội chiến” ngành thép

Theo Hòa Phát, với lượng nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép trong nước chắc chắn không thể trụ vững, gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, hoàn toàn phụ thuộc vào thép nhập khẩu. Vì vậy, DN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp cần thiết giảm lượng phôi thép nhập khẩu, cứu ngành sản xuất phôi thép trong nước.

Trước đó, Hòa Phát cũng là một trong số các DN đã gửi đơn yêu cầu Bộ công Thương sử dụng phòng vệ thương mại với phôi thép và thép dài. Cuối năm 2015, 4 DN lớn của ngành thép gồm: công ty CP Thép Hoà Phát (HPG), công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, công ty CP Gang thép Thái Nguyên và công ty CP Thép Việt Ý đã đệ đơn đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Vì vậy, ngày 25/12/2015, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 12/1/2016, Bộ Công Thương lại nhận được đơn kiến nghị về việc không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép từ 6 DN thép trong nước bao gồm: CTCP thép Pomina, công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, công ty TNHH Nasteel-Vina, công ty sản xuất Thép Úc SSE, công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH.

Lý giải, các DN này cho rằng lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 – 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép.

Trước hai kiến nghị trái chiều nhau, Bộ Công Thương đã tạm ngưng quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài để tiếp tục điều tra.

Ngay sau đó, nhiều DN thép trong nước đã lên tiếng thúc giục Bộ Công Thương sớm áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, thay vì chờ đợi đến kết luận cuối cùng.

Về phần các DN phản đối, lí do họ đưa ra cũng không phải không có lí. Bởi trên thực tế, nếu Việt Nam áp mức thuế suất mới với phôi thép nhập khẩu và thép sản xuất từ phôi nhập khẩu, thì không chỉ có tác dụng ngăn cản thép và phôi thép Trung Quốc tràn vào, mà sẽ còn khiến các DN sản xuất phôi thép trong nước từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá thành rẻ hơn phải điêu đứng. Nói cách khác, nó sẽ gây hại đối với các DN nội địa sản xuất phôi thép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nhap phoi thep Trung Quoc Tu ve hay khong tu ve

Năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Dự kiến, cả năm 2016 sẽ không dưới 4 triệu tấn. 

Như ở “Ngã ba đường”!

Đây cũng chính là lí do khiến Bộ Công Thương phải tạm ngưng quyết định áp phòng vệ thương mại, để điều tra lại. Nhất là khi thực tế sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn quá yếu.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mỗi năm các nước trên thế giới tiến hành điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại khoảng 150 vụ thì 60% trong số đó thuộc về ngành thép.

Ủy ban châu Âu (EC) đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên đến 40% đối với thép Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng dựng hàng rào mà mục đích cuối cùng là tăng thuế, hạn chế thép Trung Quốc tràn vào.

Song tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết là Việt Nam vẫn chưa sử dụng những công cụ mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để có thể ngăn chặn được dòng thép nhập khẩu này. Trong khi với hiện tượng này, Việt Nam hoàn toàn có thể được phép áp dụng các biện pháp để ngăn chặn khi có hai biểu hiện: Việc nhập khẩu gia tăng đột biến; nhập khẩu gia tăng đột biến đã trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương lí giải, sở dĩ Việt Nam chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn là do hiện nay, ngành thép đang tồn tại nhiều đối tượng: Có đối tượng chỉ sản xuất phôi thép, có đối tượng cần nhập khẩu thép hoặc sử dụng phôi thép đó để luyện, cán ra những sản phẩm khác nhau, thậm chí có đối tượng chỉ đơn thuần làm thương mại đối với mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ và bán ra giá cao. Do đó, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ là niềm vui của một bộ phận DN này nhưng lại là nỗi buồn của một bộ phận DN khác.

Bên cạnh đó, theo đánh giá, dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, DN Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà. Từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành pháp lệnh chống bán phá giá, pháp lệnh chống trợ cấp và pháp lệnh về tự vệ nhưng đến nay chỉ mới thực hiện ba vụ tự vệ và một vụ chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập vào Việt Nam. Thậm chí, đến nay, các DN chưa biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, qua vụ việc của ngành thép có thể thấy rằng Việt Nam đang có quá ít kinh nghiệm về vấn đề này, trong khi đó, các rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật lại chiếm một vị trí quan trọng trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia. Chỉ riêng trong TPP đã có cả một chương riêng về vấn đề này.

Tận dụng hiệu quả công cụ quan trọng này sẽ khiến Việt Nam nhận được nhiều lợi thế trong tương lai cho nền kinh tế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét