Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) năm 2015 vừa qua có nhiều gam màu sáng hơn với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá cao. Song chi phí tài chính, vay ngân hàng có xu hướng tăng khiến lợi nhuận khó đạt như kỳ vọng.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2015 vừa qua, một số ông lớn bất động sản vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng như Vingroup, Hoàng Quân, Tập đoàn Nam Long, FLC, CEO, SJC… Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, doanh thu tăng trưởng âm, thậm chí báo lỗ khá lớn.

“Mơ” lợi nhuận nghìn tỷ

Năm 2015 cũng được cho là mùa “gặt hái” của nhiều doanh nghiệp BĐS sản nhờ thị trường “ấm” lên sau chừng hai năm rơi đáy khủng hoảng. Đa phần các công ty BĐS niêm yết trên sàn đã có tăng trưởng khả quan nhờ bán được hàng, ngân hàng “nới” tín dụng, giải ngân vốn kịp thời…

Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS có sự phân hoá, chỉ số ít “ông lớn” vẫn bội thu, số đông làm ăn èo uột. Đáng kể là Tập đoàn Vingroup tăng trưởng tới 22% doanh thu, xác lập mốc mới 33.830 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt gần 1.160 tỷ đồng, giảm so với năm trước.

Các dự án đã và đang triển khai như Vinhomes Center Park, Times City (giai đoạn 2), Vinpearl Phú Quốc hay đang khai thác là Royal City, Vinhomes Riverside… vẫn đem về dòng tiền lớn nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tiếp thị, ưu đãi.

Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh bán lẻ, vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học vẫn không ngừng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho Vingroup. Dự kiến, năm 2016, Vingroup sẽ có tăng trưởng doanh thu lớn nhờ dự án “khủng” Vinhomes Gardenia, Vinhomes Center Park và một số dự án được “đánh tiếng” sắp trình làng khác…

Năm 2015 cũng là năm gặt hái của công ty CP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã: HQC). Khi phân khúc cao cấp bị tồn kho lớn, HQC đã đẩy mạnh đầu tư vào nhà ở xã hội, tạo nguồn thu lớn từ hai dự án HQC Plaza và HQC Hóc Môn.

Trong quý IV, Địa ốc Hoàng Quân có tăng trưởng cao tới 74% doanh thu, đạt 518 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhờ kinh doanh bất động sản (đạt 469 tỷ đồng). Thương vụ chuyển nhượng vốn góp tại công ty CP Đầu tư Phát triển BĐS Đông Dương cũng đem về 189 tỷ đồng doanh thu tài chính. Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 556 tỷ đồng, tăng gần 26 lần so cùng kỳ (chỉ đạt vỏn vẹn 21,4 tỷ đồng).

Cả năm 2015, HQC ghi nhận lợi nhuận sau thuế kỷ lục ở mức 655 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch đề ra 320,2 tỷ đồng…

Dù chỉ là “tân binh” trong lĩnh vực BĐS, năm qua, Tập đoàn FLC cũng gây choáng với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng gấp 2,5 lần. Trong đó, doanh thu đạt gần 5.270 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 905 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Một số dự án đem lại doanh thu lớn cho FLC như FLC Sầm Sơn golf& resort Thanh Hoá, dự án FLC complex 36 Phạm Hùng, FLC Twin Tower…

Những con số lợi nhuận kỷ lục trên khiến phần đông doanh nghiệp BĐS phải ghen tỵ vì khó khăn vẫn bám đuổi, dự án “đắp chiếu”, tồn kho tăng cao, khó thu hồi vốn, nợ nần chồng chất… Dù nhiều doanh nghiệp hoan hỉ báo lãi, song chỉ số ít công ty lớn ghi nhận mức lãi trên 100 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.

Bat dong san co thuc lai to

Dù nhiều doanh nghiệp BĐS hoan hỉ báo lãi, song chỉ số ít công ty lớn ghi nhận mức lãi trên 100 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.

Tăng vay nợ ngân hàng

Đại gia BĐS lớn là Becamex IJC (IJC) năm qua đã bị sụt giảm 33% doanh thu, đạt 689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 127 tỷ đồng (giảm 45%) so với năm 2014.

Nhiều công ty tăng trưởng âm, báo lỗ lớn, đơn cử: công ty CP xây dựng hạ tầng Sông Đà (mã: SDH) báo lỗ hơn 23 tỷ đồng, sau khi lỗ 2,6 tỷ đồng năm 2014. Thiếu việc làm, xây dựng dở dang, chậm thu hồi công nợ nên SDH mất 15 tỷ đồng trích dự phòng rủi ro.

Cùng họ Sông Đà, năm 2015, công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị & KCN Sông Đà (Sudico, mã: SJS) đã xoá hết lỗ luỹ kế, báo lãi trước thuế 287 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Dù vậy, doanh thu cả năm giảm 30% chỉ đạt 855 tỷ đồng và bằng 66% kế hoạch.

Thua lỗ vẫn bám theo công ty CP đầu tư xây dựng Thương mại Dầu khí IDICO (mã: PXL) năm thứ 3 liên tiếp với số lỗ 10 tỷ đồng của năm 2015. PXL đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết cổ phiếu và hiện mã PXL đang trong diện bị kiểm soát, giá giảm thảm hại chỉ còn 2.000 đồng/CP.

Cổ đông Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG) cũng nhiều lần chất vấn ban lãnh đạo cần có giải pháp khả thi để cải thiện lợi nhuận, khắc phục thua lỗ. Năm 2015, DIG đạt 665 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 15,5 tỷ đồng do bị lỗ hơn 19 tỷ đồng trong quý IV.

Cùng với sự tăng trưởng doanh thu, các doanh nghiệp BĐS cũng tăng quy mô nợ vay rất lớn. Đơn cử: quy mô nợ vay và nợ thuê tài chính của Vingroup tăng lên hơn 34.576 tỷ đồng (96% nợ dài hạn); DIG tăng lên 1.390 tỷ đồng, HQC là gần 803 tỷ đồng…

Vay nợ lớn khiến chi phí tài chính bị đội lên, kéo giảm lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp lãi vay bằng tới 10-20% tổng lãi sau thuế.

Lo ngại rủi ro bất động sản lặp lại “bong bóng”, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết luôn cân nhắc rất kỹ việc cấp tín dụng cho dự án, xác định tỷ lệ hạn mức vay hợp lý, quản lý dòng tiền chặt chẽ. Với cơ cấu vốn đầu tư BĐS hiện phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay nên áp lực trả nợ, lãi vay rất lớn. Nhiều doanh nghiệp chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận tăng thấp, có lãi tăng nhẹ hoặc không lỗ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét