Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Những người sợ nhất khi Thông tư 36 được sửa đổi

Giới đầu cơ nhà đất sẽ chịu tác động mạnh nhất khi Thông tư 36 được sửa đổi

Còn người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua bất động sản không vì mục tiêu kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước trấn an là không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36.

Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong bản tài liệu phân tích chi tiết và nêu quan điểm về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn và tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Những thông tin cơ bản về bản tài liệu vừa được báo điện tử VNEconomy đăng tải.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 theo hướng giảm việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%, và tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản từ 150% lên 250%.

Những thay đổi này nếu được thông qua được cho là sẽ làm giảm nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, khiến cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây đã có văn bản cảnh báo về những tác động tiêu cực của việc sửa đổi lên thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh này sẽ làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn cho các dự án đang có cơ hội phục hồi và đặc biệt giảm cơ hội mua nhà chính đáng của nhiều người dân, cán bộ công nhân viên chức và người lao động, tác động xấu đến sự phát triển Kinh tế- xã hội chung của cả nước.

Theo VNEconomy, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.

Không làm giảm vốn cho bất động sản

Tuy nhiên, tại bản tài liệu trên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36 không làm giảm vốn tín dụng cho thị trường bất động sản.

Giả định mọi yếu tố khác không thay đổi, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn bình quân của hệ thống là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh), thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản với số tiền lên đến khoảng 540 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36.

Việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% cũng ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR); theo đó CAR bình quân của toàn hệ thống giảm từ 13% xuống 12,1%. Với tỷ lệ CAR bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có thể cho vay kinh doanh bất động sản với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ CAR 9%.

Với cơ sở tính toán trên, việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh bất động sản có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để đầu tư không.

“Do đó, không có cơ sở cho rằng sửa đổi Thông tư 36 dẫn đến giảm tín dụng đầu tư cho lĩnh vực bất động sản”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng ngân hàng trong năm 2015.

Cụ thể, tín dụng trung, dài hạn đã tăng nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục, năm 2013 là 43,1%; năm 2014 là 45,4%) làm tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn.

Hầu hết các khoản tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có kỳ hạn trung, dài hạn.

Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực bất động sản thì tổng dư nợ là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn.

Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét